BÀI 7: ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP THỜI KÌ BẮC THUỘC2. Chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo
Ngô Quyền là người ấp Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Ông sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực. Cha của ông là Ngô Mân, từng làm chức Châu mục Đường Lâm, được người dân mến phục. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại kỷ, quyển 5) mô tả: “Ngô Quyền có dung mạo khác thường, lưng có ba nốt ruồi. Các thầy tướng cho là lạ, rằng có thể làm chủ được một phương. Bởi thế, Ngô Mân mới đặt tên con là Quyền.
Khi lớn lên, Ngô Quyền có tướng mạo khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, trí dũng hơn người, sức có thể nâng được vạc”. Lúc trưởng thành, Ngô Quyền tinh thông võ nghệ, có chí lớn. Ông tham gia xây dựng chính quyền họ Khúc ở Đại La rồi theo Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất, giải phóng thành Đại La năm 931. Là người có tài, ông được Dương Đình Nghệ gả con gái cho.
a) Hoàn cảnh
- Năm 938, quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy đã tiến đánh vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng.
- Ngô Quyền lợi dụng nước thủy triều lên xuống, cho quân đóng cọc trên sông Bạch Đằng.
b) Diễn biến
- Khi quân địch đến, Ngô Quyền cho quân khiêu chiến và nhử quân địch vào trận địa mai phục.
- Quân Nam Hán chết quá nửa, Hoằng Tháo bị tử trận. Quân Nam Hán hoàn toàn thất bại.
c) Kết quả, ý nghĩa
- Cuộc chiến đấu của quân dân ta giành thắng lợi. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa.
- Ngô Quyền lên ngôi vua đã kết thúc hoàn toàn thời kì đô hộ của phong kiến phương Bắc và mở đầu thời kì độc lập lâu dài của đất nước ta.