Được cung cấp bởi Edmicro

Chú giải

Chọn một trong những từ khóa ở bên trái…

BÀI 8: TRIỀU LÝ VÀ VIỆC ĐỊNH ĐÔ Ở THĂNG LONG2. Nhà Lý định đô ở Thăng Long

Thời gian đọc: ~15 min

Mùa xuân năm 1010, trong một lần trở lại thăm quê nhà ở Cổ Pháp (Bắc Ninh), vua Lý Thái Tổ có ghé qua thành cũ Đại La (nay là Hà Nội). Vua thấy đây là vùng đất ở trung tâm đất nước, đất rộng lại bằng phẳng, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật phong phú tốt tươi nên quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Trước khi dời đô, vua Lý Thái Tổ đã viết Chiếu dời đô nhằm hỏi ý kiến quan lại trong triều về quyết định của mình:

Chiếu dời đô

“Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.
Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.
Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở, ý các khanh thế nào?”

Mùa thu năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại Lađổi tên Đại La thành Thăng Long. Việc định đô ở Thăng Long đã mở ra một thời kì phát triển mới của Thăng Long và của đất nước. Tại kinh thành Thăng Long, nhà Lý cho xây dựng nhiều lâu đài, cung điện, đền chùa. Nhân dân tụ họp làm ăn ngày càng đông, tạo nên nhiều phố phường nhộn nhịp, vui tươi.

Hình 2. Một số hiện vật của kinh đô Thăng Long thời Lý

Hình 3. Chùa Một Cột

Chùa Một Cột (còn gọi là Liên Hoa Đài, hay chùa Diên Hựu) là một công trình kiến trúc độc đáo với một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất. Công trình này được xây vào thời vua Lý Thái Tông (năm 1049) và hoàn thiện vào năm 1105, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Chùa Một Cột ngày nay được dựng lại theo kiến trúc để lại từ thời Nguyễn.

Năm 1070, nhà Lý cho dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử và các nhà tư tưởng Nho gia. Ngoài chức năng này, Văn Miếu còn là nơi học tập của các hoàng tử. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Đây được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Quốc Tử Giám luôn là trung tâm giáo dục - đào tạo nhân tài lớn nhất của cả nước.

Hình 4. Đại Trung Môn (Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

flexilearn