Được cung cấp bởi Edmicro

Chú giải

Chọn một trong những từ khóa ở bên trái…

BÀI 7: CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ NĂM 19542. Sự chuẩn bị của quân Pháp và quân dân ta cho trận Điện Biên Phủ

Thời gian đọc: ~15 min

a) Sự chuẩn bị của quân đội Pháp

Pháp với sự giúp đỡ của Mĩ đã xây dựng ở Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm kiên cố bậc nhất Đông Nam Á. Đồng thời, tăng cường cung cấp vũ khí chiến đấu cho tập đoàn cứ điểm này.

Mục đích của Pháp: đánh bại quân đội của ta và giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Hình 2. Sơ đồ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp


Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm kiên cố bao gồm nhiều vị trí phòng ngự vững chắc, có nhiều công trình quân sự như hầm, hào, hố và được trang bị nhiều vũ khí mạnh. Pháp đã cho xây dựng sân bay và trang bị các loại máy bay, súng cối, pháo và xe tăng.

Hình 3. Sân bay của Pháp tại Điện Biên Phủ

Hình 4. Súng cối của Pháp

Hình 5. Xe tăng Mĩ viện trợ cho Pháp

Nói về sự chuẩn bị của thực dân Pháp, báo nước Pháp buổi chiều, ngày 9 tháng 6 năm 1954 có viết: “… Chỉ trong vòng một tháng, chúng ta ném vào cuộc chiến đấu 450 máy bay, xuất trận 6.000 lần, nghĩa là hàng ngày có 200 lần máy bay xuất trận và mỗi giờ có gần 10 lần… Suốt 24 giờ trong ngày, một máy bay chỉ huy lượn trên lòng chảo để chỉ huy các hoạt động không quân và suốt đêm có những máy bay “đom đóm” (máy bay thả pháo sáng) làm nhiệm vụ thường trực”.

b) Sự chuẩn bị của quân và dân ta

Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hình 6. Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ (Từ trái sang phải: Đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp)


Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ là một quyết định quan trọng, thể hiện quyết tâm đánh thắng quân Pháp của Bộ Chính trị và quân dân ta. Để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử này, cả tiền tuyến và hậu phương đều sẵn sàng với tinh thần cao nhất. Khoảng năm vạn rưỡi chiến sĩ từ các mặt trận hành quân về Điện Biên Phủ, hàng vạn tấn vũ khí được vận chuyển vào trận địa. Gần ba vạn người từ hậu phương tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men,... lên Điện Biên Phủ.

Hình 7. Bộ đội ta kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ

Hình 8. Đoàn xe thồ chở lương thực, thực phẩm và quân trang quân dụng phục vụ chiến dịch

Em có biết?

Đầu năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” và quyết định kéo hết pháo ra khỏi trận địa. Đêm 1/2/1954, tại dốc Chuối, trong khi kéo pháo ra khỏi trận địa thì dây tời của khẩu pháo 37mm bị đứt. Bấy giờ, Tô Vĩnh Diện đã mưu trí, dũng cảm lái càng pháo vào vách núi để bảo vệ pháo.

Hình 9. Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo (Tranh minh họa)

Tuy cản được pháo không lăn xuống vực, nhưng Tô Vĩnh Diện bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người gây trọng thương. Giây phút cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu, Tô Vĩnh Diện chỉ kịp hỏi “Pháo có việc gì không?” rồi anh dũng hy sinh. Năm 1956, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

flexilearn