Thời gian: 00:00:00

LỚP 6 - KIỂM TRA

15
Thời gian làm bài: ~15 phút

Đọc câu chuyện sau và thực hiện các yêu cầu:

 Suốt ngày, suốt đêm Thạch Thùng trú đằng sau bóng đèn tuýp. Ban ngày, đèn tắt, Thạch Thùng ngủ vùi. Tối đến, đèn sáng, mới bò ra đánh chén lũ phù du. Đôi khi cậu còn vớ được con bướm, con nhện béo mẫm ở đâu lạc vào. Chả cần đi đâu xa mà vẫn no đủ, thật đúng là “ngồi mát ăn bát vàng”.

 Quanh quẩn ăn ngủ một chỗ như thế nhưng trên trời dưới đất, chuyện gì cũng biết. Chuyện bây giờ, chuyện cả ngàn năm trước. Sư tử rừng rậm châu Phi. Chuột túi sa mạc châu Úc. Chim cánh cụt Bắc cực. Cá voi Đại Tây dương. Và đương nhiên cả loài thằn lằn thời tiền sử. Những con thằn lằn khổng lồ còn gọi là Khủng Long này khiến Thạch Thùng vô cùng hãnh diện. Cậu chàng đinh ninh rằng đó chính là các cụ Tổ của mình! Nhiều cụ Tổ còn mọc cánh để bay lượn trong rừng già - điều này thì cháu con xin bái phục.

 Thạch Thùng biết đủ mọi chuyện nhờ tối nào cũng xem tivi. Chén xong bữa tối cậu chàng lại lim dim mắt nhìn sang màn hình tivi bên kia tường. Vừa xem vừa mơ tưởng đến đôi cánh của cụ tổ.

 - Tắc, tắc, tắc… Thích quá! Thích quá! Giá như mình có thể bay lên…

 Một lần, vừa nuốt xong con chuồn chuồn, Thạch Thùng thiếp đi. Trong mơ cậu thấy mình mọc ra đôi cánh, mỏng như cánh chuồn. Thạch Thùng xòe cánh, vỗ thử. Cảm giác thật sung sướng vì được lao mình vào khoảng không. Ngay sau đó, cậu giật thót mình “Bộp”.

 Tỉnh lại, Thạch Thùng thấy mình nằm trơ trên nền đá hoa lạnh toát. Đầu chóng váng. Người ê ẩm. Cánh chẳng thấy đâu. Chỉ thấy một khúc đuôi bị đứt rời, đang ngo ngoe bên cạnh. Cậu hốt hoảng leo lên tường. May mà Mèo chưa kịp nhìn thấy.

 Từ hôm ấy trở đi, trước lúc đi ngủ, cậu lại tắc lưỡi một thôi dài để tự nhắc mình: là Thạch Thùng thì chớ bao giờ mơ giấc mơ Khủng Long.

(Theo Trần Đức Tiến, Khi Thạch Thùng vỗ cánh, trích trong Những truyện hay viết cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2014)

Câu 1. Văn bản thuộc thể loại truyện nào?

A. Truyện đồng thoại
B. Truyện ngụ ngôn
C. Truyện hài hước
D. Truyện cổ tích loài vật

Câu 2. Đặc điểm nào sau đây không có ở nhân vật Thạch Thùng?

A. Kiếm sống dễ dàng
B. Hiểu biết khá nhiều
C. Biết mơ ước và biết dừng lại
D. Đánh giá bản thân quá cao

Câu 3. Sự việc nào có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển diễn biến của truyện?

A. Thạch Thùng sống trong cảnh “ngồi mát ăn bát vàng”
B. Thạch Thùng rất ngưỡng mộ các cụ Tổ
C. Thạch Thùng mơ thấy mình mọc ra đôi cánh
D. Thạch Thùng bị ngã xuống nền nhà

Câu 4. Câu kết truyện “Từ hôm ấy trở đi, trước lúc đi ngủ, cậu lại tắc lưỡi một thôi dài để tự nhắc mình: là Thạch Thùng thì chớ bao giờ mơ giấc mơ Khủng Long.” thể hiện điều gì?

A. Sự thay đổi về nhận thức của Thạch Thùng sau trải nghiệm
B. Sự ăn năn hối lỗi của Thạch Thùng sau khi hành động viển vông
C. Sự tiếc nuối của Thạch Thùng khi mơ ước không thành hiện thực
D. Sự chuyển biến tâm trạng của Thạch Sùng theo chiều tích cực

Câu 5. Thành ngữ “Ngồi mát ăn bát vàng” có nghĩa là:

A. Không muốn bỏ công sức ra để làm nhưng lại muốn có nhiều quyền lợi
B. Không phải làm việc vất vả mà vẫn được hưởng cuộc sống đầy đủ, sung túc
C. Không cần dốc sức nhiều nhưng vẫn thành công bởi cách làm việc hiệu quả
D. Không nhất thiết phải làm nhiều nhưng vẫn có thể sống vui vẻ, nhàn hạ

Câu 6. Thông điệp chính được thể hiện trong truyện là gì?

A. Hãy nuôi dưỡng những ước mơ cao đẹp để cuộc sống có thêm ý nghĩa
B. Đừng quá thất vọng nếu ước mơ chưa đạt được
C. Thành công chỉ có được nếu chúng ta biết rút ra bài học từ thất bại
D. Biết mơ ước là tốt, biết dừng lại khi nhận ra ước mơ là ảo ảnh còn tốt hơn

Câu 7. Chỉ ra hai điểm thể hiện sức hấp dẫn của truyện.

Câu 8. Phần kết truyện, Thạch Thùng có suy nghĩ là Thạch Thùng thì chớ bao giờ mơ giấc mơ Khủng Long.

  Em có đồng ý với suy nghĩ đó không? Vì sao?