BÀI 9: TRIỀU TRẦN VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MÔNG - NGUYÊN2. Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên dưới thời Trần
Dưới thời Trần, quân Mông - Nguyên ba lần sang xâm lược nước ta. Lúc bấy giờ, quân Mông - Nguyên đang tung hoành khắp châu Âu và châu Á. Đối phó với đội quân mạnh và thiện chiến là điều hết sức khó khăn đối với vua quan và nhân dân nhà Trần.
a) Quyết tâm đánh giặc Mông – Nguyên của vua tôi và quân dân nhà Trần
Trước thế giặc mạnh, vua tôi và quân dân nhà Trần không hề nản chí, ngược lại rất quyết tâm chống giặc, không chịu đầu hàng. Điều này được thể hiện qua lời nói và hành động của nhiều tấm gương:
- Trần Thủ Độ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”
- Các bô lão ở Hội nghị Diên Hồng đồng thanh thể hiện quyết tâm: “Đánh!”
- Trần Quốc Toản chiêu mộ binh sĩ, ngày đêm luyện tập chờ giặc tới
- Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn viết bài Hịch tướng sĩ.
- Các binh sĩ thích vào tay mình hai chữ “Sát Thát”, thể hiện quyết tâm đánh giặc.
b) Kế đánh giặc của vua tôi nhà Trần
- Khi giặc mạnh, thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”, rút khỏi kinh thành Thăng Long
- Khi giặc suy yếu, chủ động tấn công quyết liệt, đánh đuổi quân địch ra khỏi đất nước.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288
Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân xâm lược Mông - Nguyên, để chặn đường rút lui của thủy quân Nguyên, Trần Quốc Tuấn đã thực hiện kế sách dựa vào sự lên xuống của thủy triều, cắm cọc trên sông Bạch Đằng và nhử địch vào trận địa mai phục. Đây cũng là kế sách mà Ngô Quyền đã sử dụng khi đánh quân Nam Hán năm 938. Kết quả là quân Nguyên đại bại, tướng giặc Ô Mã Nhi bị bắt sống.